Khả năng xử lý bộ não con người là có giới hạn, và việc phải xử lý nhiều việc cùng 1 lúc thì lại càng khó, và theo thống kê thì chỉ có khoảng 2% dân số toàn thế giới là có khả năng đặc biệt "đa nhiệm".
Nhưng, có một tỉ lệ rất nhỏ dân số có thể làm việc "đa nhiệm": 2%. Theo giáo sư David Strayer thuộc bộ môn tâm lý học của Đại học Utah (Mỹ), những người này có thể được coi là "siêu nhân".
Đâu là lý do giúp cho những người này có thể làm nhiều công việc cùng lúc? Câu trả lời, theo giáo sư Strayer, là bởi họ có thể thực hiện các tác vụ nhận thức (ghi nhớ, xử lý thông tin) một cách dễ dàng. Do đó, khả năng làm việc của họ không bị ảnh hưởng khi làm nhiều việc khác nhau, và đôi khi họ làm việc còn hiệu quả hơn nữa.
Với phần lớn người bình thường, "Não bộ không thể xử lý được lượng thông tin quá nhiều từ các tác vụ". Nghiên cứu cả đời của giáo sư Strayer cho thấy nếu ai đó tuyên bố rằng họ có thể vừa nghe điện thoại vừa lái xe một cách an toàn, người này gần như chắc chắn đang nói dối.
Do đó, khi lần đầu gặp được một người có thể vừa lái xe, vừa nghe điện thoại, vừa… giải toán cao cấp, giáo sư Strayer đã rất bất ngờ.
Bởi vậy, ông và các cộng sự đã thiết kế ra một bài thử nghiệm giả lập lái xe và yêu cầu những người tham gia phải thực hiện các tác vụ ghi nhớ và phân tích toán học. Dĩ nhiên, phần lớn những người tham gia đều thất bại đau đớn. Trong số này, chỉ có 2% thành công: kết quả thử nghiệm "đa nhiệm" của một vài người thậm chí còn tốt hơn cả các thử nghiệm thực thi tác vụ độc lập.
Cùng với các chuyên gia tâm lý từ Đại học Newscastle, Úc, Strayer đã tạo ra một phiên bản trực tuyến cho bài kiểm tra nói trên. Phiên bản online không sử dụng bối cảnh lái xe, song bạn cũng sẽ bị thử thách khả năng ghi nhớ và phân tích thông tin của mình.
Và, khi chưa thực hiện bài kiểm tra nói trên, chớ vội tự nhận rằng mình có khả năng làm nhiều việc đồng thời một cách hiệu quả: theo giáo sư Strayer, những người tự tin rằng mình có thể làm nhiều việc cùng lúc thường là những người "đa nhiệm" kém cỏi nhất.
0 nhận xét